Ở tuổi 40, bạn tôi không biết làm gì ra ngần ấy tiền chia cho các em gái theo yêu cầu cha mẹ để được nhận nhà thừa kế.
Câu chuyện phân chia tài sản thừa kế trước giờ vẫn luôn là một cuộc tranh luận không có hồi kết. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến một trường hợp rất oái oăm liên quan đến chuyện chia nhà, đất thừa kế cho con cái. Đây là chuyện xảy ra với người bạn thân của tôi.
Chuyện là, gia đình bạn đang ở trong một ngôi nhà ba tầng, có diện tích khoảng 70 m2 tại khu vực vùng ven Hà Nội. Đây là mảnh đất được truyền lại từ thời ông nội bạn. Bố mẹ bạn trước chỉ làm nông, nên cũng không dư giả gì. Mãi sau này, khi bạn đi làm mới có tiền để góp vào xây nhà cho cha mẹ.
Đến đời bạn, nhà có ba anh em: bạn là con trai trưởng, sau bạn có hai em gái. Giờ cả ba người đều đã có gia đình riêng. Hôm rồi, bố bạn mới gọi con tới nói chuyện, ngỏ ý muốn sang tên sổ đỏ mảnh đất và ngồi nhà đang ở cho bạn, đề phòng các cụ tuổi cao sức yếu, không biết ra đi lúc nào.
Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ, họ lại đưa ra một điều kiện kèm theo, đó là muốn bạn phải chia cho mỗi người em gái một khoản tiền khoảng 700 triệu đồng (bằng tiền mặt). Trong khi đó, ngôi nhà bạn và bố mẹ đang ở được định giá khoảng 5 tỷ đồng. Có nghĩa là mỗi người con gái được nhận 14% giá trị tài sản thừa kế.
Tuy nhiên, hiện tại, tổng thu nhập của hai vợ chồng bạn cộng lại chỉ vào khoảng 25-30 triệu đồng một tháng. Số tiền bạn tích lũy trước giờ cũng mới chỉ có khoảng 400 triệu đồng. Trong khi đó, bạn còn phải nuôi hai con nhỏ đang đi học cấp hai. Ở tuổi ngoài 40, bạn không biết làm gì ra nhiều tiền thế để trả cho hai người em gái.
Vậy là món tài sản thừa kế lẽ ra sẽ rất có ý nghĩa với bạn thì nay lại trở thành gánh nặng. Nếu bạn bán nhà đi và cộng với số tiền tích lũy đang có thì sau khi chia tiền cho các em, bạn sẽ còn lại 3,9 tỷ đồng. Số tiền này có thể đủ để bạn mua được cái chung cư tầm trung để ở. Nhưng vấn đề là đây lại là mảnh đất thừa kế từ thời ông cha để lại. Anh em, họ hàng bạn đều ở đó cả. Nên bạn cũng không muốn bán rồi phải chuyển chỗ ở đi nơi khác. Nhưng khổ nỗi, giờ giữ lại thì bạn cũng lâm vào thế khó.
Đúng là câu chuyện thừa kế nhiều lúc khiến người ta phải đau đầu: không có thì thiếu, mà muốn nhận cũng chẳng dễ dàng gì. Theo các bạn, bạn tôi nên làm gì trong tình cảnh này?